Hạn chế uống nước đá, nằm điều hòa đúng cách, ăn uống đủ chất, năng rửa tay… sẽ giúp người lớn và trẻ con phòng bệnh trong mùa hè.
Nắng nóng tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh thời tiết (say nắng, cúm, cảm, sổ mũi, viêm họng, viêm phổi, chốc lở, rôm sẩy…); đường ruột (tiêu chảy, tả, lỵ, tay – chân – miệng…); do muỗi (sốt xuất huyết, viêm não…). Thay đổi vài thói quen dưới đây sẽ giúp gia đình bạn có mùa hè vui khỏe:
Ăn chín uống sôi
Thời tiết nóng bức khiến cơ thể mệt mỏi, mồ hôi ra nhiều làm mất muối khoáng (chất điện giải), gây giảm độ toan của dịch vị, sinh chán ăn. Thói quen ăn ít, uống nước nhiều khiến dịch vị đã ít lại bị pha loãng hơn, giảm khả năng sát khuẩn của dịch vị. Khi đó, vi sinh vật có nhiều cơ hội xâm nhập đường ruột, gây đau bụng, tiêu chảy.
Cách đơn giản nhất để phòng bệnh là ăn chín uống sôi, ngâm rửa sạch rau củ và hoa quả. Tránh ăn rau sống, mắm tôm, gỏi cá, tiết canh, nem chua… Thức ăn đã nấu chín nên bảo quản trong tủ lạnh sau 2 tiếng. Đồ dư thừa cần đun sôi lại trước khi cất đi và không để quá 1-2 ngày.
Dinh dưỡng đủ chất
Bạn cần tăng cường sức khỏe và đề kháng bằng chế độ dinh dưỡng đủ chất, nhiều rau xanh và hoa quả. Bà nội trợ nên chú ý chọn lựa thực phẩm tươi ngon, chế biến phù hợp, chiều khẩu vị cả nhà. Thịt heo, bò, gà… vẫn là thực phẩm thường xuất hiện trong bữa ăn ngày hè, song cần biến tấu sao cho ngon miệng, dễ nuốt.
Nên hạn chế các món xào, nướng gây cảm giác ngán ngấy; đồ cay nóng gây nhiệt miệng, mụn nhọt, mề đay; thực phẩm khó tiêu như thịt dê, chó, mỡ. Thay vào đó, ưu tiên các loại cá béo giàu omega có tác dụng giảm viêm, đậu hũ thanh mát, canh cua giải nhiệt…
Uống nhiều nước
Nắng nóng gay gắt khiến tim phải làm việc nhiều và nhanh hơn, mạch đập mạnh và huyết áp tăng. Máu đặc lại do mất nước có thể gây thiếu ôxy, bất tỉnh, nhồi máu cơ tim hay đột quỵ. Người có bệnh tim nên mang thuốc hạ huyết theo người và uống nhiều nước. Người bình thường nên dùng 2-2,5 lít mỗi ngày.
Nếu ra quá nhiều mồ hôi, có thể bù lại lượng khoáng đã mất bằng dung dịch điện giải hoặc chanh muối. Cần hạn chế các loại nước ngọt khiến cơ thể khát hơn; kem và đá lạnh sinh viêm họng; thức uống có tính lợi tiểu gây mất nước. Nếu đau họng, nên uống nước ấm có tính kiềm (nước khoáng, chè xanh) và giữ ấm cổ.
Tránh sốc nhiệt
Khi đi ra ngoài, bạn nên che chắn cơ thể bằng cách đội mũ rộng vành, khoác áo gió, đeo kính râm, mang găng tay… để chống say nắng và tránh mất nhiều mồ hôi. Không nên nằm điều hòa quá lạnh, mà phải thay đổi nhiệt độ phòng dần dần để cơ thể thích nghi. Bạn cần bật quạt xoay chứ không thốc thẳng vào người; càng không nên bật quạt, nằm ngủ sau khi tắm xong; không đột ngột ra vào phòng điều hòa để tránh cảm lạnh.
Vệ sinh thân thể
Để tránh mắc bệnh truyền nhiễm, bạn nên năng vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng. Tắm gội hàng ngày giúp tránh giải thoát bụi bặm, vi khuẩn, mồ hôi ứ đọng trên cơ thể. Thói quen vệ sinh thân thể sạch sẽ cũng giúp bạn ăn ngon ngủ kỹ, cơ thể sảng khoái hơn. Ngoài ra, cần năng thay quần áo mỗi khi dính mưa ướt hay ra nhiều mồ hôi để phòng cảm lạnh, bệnh da liễu.
Người bệnh huyết áp cao hoặc co thắt mạch nên tắm nước ấm, không đột ngột ra vào phòng máy lạnh hoặc bước ra ngoài trời nắng nóng… để tránh xảy ra tai biến mạch máu não.
Giữ nhà cửa sạch sẽ
Người xưa có câu: “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”. Vì vậy, bạn nên chú ý sắp xếp nhà cửa gọn gàng; lau sàn nhà, vật dụng, đồ chơi của trẻ sạch sẽ. Nếu gia đình có người bị tiêu chảy, cần lau dọn bằng dung dịch sát khuẩn Cloramin B 2%.
Diệt muỗi
Diệt bọ gậy là biện pháp hiệu quả phòng ngừa các bệnh lây truyền do muỗi. Bạn nên khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm quanh nhà, đậy kín các thùng chứa nước, dọn chai lọ đọng nước mưa, thả cá… để ngăn muỗi sinh sản. Trong nhà, hạn chế treo mắc quần áo để muỗi không còn chỗ đậu. Có thể dùng đèn điện xua muỗi, kem bôi ngoài da; mặc quần áo dài tay; không để trẻ chơi ở ngoài trời khi xẩm tối; ngủ màn kể cả ban ngày.
Tiêm phòng vắcxin
Cha mẹ nên cho trẻ tiêm phòng cúm, sởi, thủy đậu, viêm não Nhật Bản, viêm phổi do phế cầu, tiêu chảy do virus rota… đủ mũi và đúng lịch để phòng bệnh. Phụ nữ có ý định mang bầu trong hè này nên tiêm phòng cúm, sởi, quai bị, rubella, uốn ván… nhằm hạn chế nguy cơ dị tật thai nhi.
Khám chữa bệnh kịp thời
Các bệnh mùa hè có thể gây tử vong và tạo thành dịch lớn. Ví dụ như bệnh chân – tay – miệng thường xảy ra ở trẻ em, lây lan nhanh và dễ biến chứng thành viêm não. Tiêu chảy nếu không chăm sóc và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, ngay khi xuất hiện dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, nên chủ động đi thăm khám sức khỏe sớm.
An San (VnExpress)