Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II. Đặng Xuân Hoa – Phó Trưởng khoa Liên chuyên khoa – Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.
Thoái hóa hoàng điểm tuổi già ( Age – Related macular degeneration – AMD) là một bệnh thoái hóa ảnh hưởng đến vùng hoàng điểm. Bệnh thường ảnh hưởng đến những người trên 60 tuổi nhưng cũng có thể sớm hơn. Ngày nay đứng trước tình trạng già hóa dân số thì nguy cơ mắc bệnh này ngày càng cao, là nguyên nhân phổ biến nhất gây mất thị lực trung tâm ở người cao tuổi.
Thực tế, bệnh AMD là một căn bệnh nguy hiểm, tuy nhiên tại Việt Nam lại chưa được quan tâm đầy đủ.
Nguyên nhân của AMD cho đến nay vẫn chưa rõ nhưng có một số yếu tố liên quan đến sự phát triển của bệnh này như: Tuổi tác, tiền sử gia đình, hút thuốc, chế độ ăn nghèo nàn, béo phì và chế độ ăn nhiều đường, tăng huyết áp, …
Triệu chứng của AMD: Có thể là nhìn thấy những khoảng trống hoặc đốm đen trước mắt đặc biệt là vào buổi sáng, thay đổi hình dạng, kích thước, màu sắc của vật, nhìn hình biến dạng: méo mó, cong queo, từ ngữ có thể biến mất khi đang đọc
Có hai dạng AMD là AMD thể khô và AMD thể ướt:
– AMD thể khô: Bệnh thường diễn biến âm thầm trong nhiều tháng nhiều năm năm trước khi dẫn đến tình trạng suy giảm thị lực. Hiện tại chưa có phương pháp điều trị thể này. Việc điều trị sớm AMD thể khô là liệu pháp dinh dưỡng với chế độ ăn lành mạch giàu chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa, có thể bổ sung một số vitamin và khoáng chất như Vitamin C, E, beta carotene, kẽm và chất chống oxy hóa. Thay đổi lối sống giúp bảo vệ đôi mắt như: Không hút thuốc, duy trì cân nặng và kiểm soát huyết áp, ăn chế độ ăn ít chất béo bão hòa và giàu a xít béo omaga 3, không uống rượu, tập thể dục thường xuyên, đeo kính có khả năng chặn tia UV và lọc ánh sáng xanh và đặc biệt là khám mắt thường xuyên, toàn diện để phát hiện sớm các vấn đề ở mắt
– AMD thể ướt: Bệnh thường khởi phát đột ngột gây mất thị lực trung tâm nhanh chóng dẫn đến sẹo hoàng điểm nếu không được điều trị, Cũng như thể khô, thoái hóa hoàng điểm thể ướt chưa có phương pháp điều trị triệt để. Tuy nhiên thể này có thể ngăn ngừa và làm chậm tiến triển của bệnh nếu được phát hiện kịp thời.
Khoảng 10 -15% AMD thể khô có thể chuyển sang thể ướt và nếu bị AMD ở một mắt có thể ảnh hưởng đến mắt còn lại sau vài năm. Hiện nay phương pháp điều trị phổ biến và hiệu quả nhất đối với bệnh AMD thể ướt là liệu pháp tiêm nội nhãn thuốc Anti – VEGF(yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu).
Liệu pháp laser quang đông võng mạc cũng được chỉ định trong một số loại AMD thể ướt
Hiện nay khoa Liên chuyên khoa đã được trang bị máy laser quang đông 532- NIDEK, máy đã đưa vào hoạt động và điều trị hiệu quả trong một số bệnh lý:
– Bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già
– Bệnh võng mạc tiểu đường
– Tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc và nhiều bệnh lý đáy mắt khác