Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II. Đặng Xuân Hoa – Phó Trưởng khoa Liên chuyên khoa – Bệnh viện Đa khoa Đống Đa
Đái tháo đường là bệnh nội tiết thường gặp có thể gây tổn thương nhiều cơ quan, đặc biệt là mắt, thận, thần kinh, tim và mạch máu. Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới( WHO): Năm 1985 có 30 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, năm 1997 có 124 triệu người, năm 2000 là 200 triệu người, năm 2010 có 246 triệu người. Theo dự đoán con số này sẽ tăng lên 380 triệu người vào năm 2025. Hầu hết những người mắc bệnh đái tháo đường hay gặp các vấn đề về mắt.
Cứ 10 ca mắc bệnh đái tháo đường thì có 7 ca biến chứng tại mắt, đặc biệt là bệnh võng mạc do đái tháo đường, có khoảng 20-30% người mắc bệnh này.
Thời gian đái tháo đường là yếu tố quan trọng, thời gian càng lâu thì tỷ lệ bệnh càng cao. Ở những bệnh nhân được chẩn đoán bệnh lý đái tháo đường trước tuổi 30, sự xuất hiện bệnh lý võng mạc đái tháo đường sau 10 năm là 50% và sau 30 năm là 90%.
Bệnh võng mạc đái tháo đường diễn ra âm thầm, đa số người bệnh không biết mình mắc bệnh cho đến khi bệnh tiến triển nặng không thể hồi phục mặc dù được điều trị.
Tổn thương võng mạc do đái tháo đường biểu hiện rất đa dạng như: Xuất huyết, xuất tiết, vi phình mạch, phù hoàng điểm, tăng sinh mạch máu võng mạc….
Bệnh võng mạc đái tháo đường nếu không được phát hiện kịp thời sẽ gây giảm thị lực hoặc mù vĩnh viễn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, gia tăng gánh nặng kinh tế cho bản thân, gia đình và xã hội.
Hậu quả của bệnh võng mạc tiểu đường là gần 2 triệu bệnh nhân đái tháo đường ở Việt Nam đang có nguy cơ mất thị lực. Để phòng nguy cơ trên người mắc bệnh đái tháo đường cần tuân thủ chế độ ăn, thuốc và kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp và đặc biệt cần đi khám định kỳ chuyên khoa mắt 3- 6 tháng / lần để phát hiện sớm các các tổn thương võng mạc, điều trị kịp thời sẽ giữ được thị lực, ngăn ngừa tình trạng giảm thị lực hoặc mù lòa.
Khoa Liên chuyên khoa – Bệnh viện đa khoa Đống Đa hiện tại đã triển khai và làm chủ kỹ thuật laser quang đông võng mạc và tiêm nội nhãn thuốc ức chế tăng sinh mạch máu ( Anti – VEGF) để điều trị bệnh võng mạc tiểu đường. Tùy theo giai đoạn của bệnh bác sỹ sẽ quyết định phương pháp điều trị phù hợp.