Dịch sốt xuất huyết (SXH) tại Hà Nội đảo lộn không chỉ cuộc sống của người dân, mà cuộc sống của bác sĩ, điều dưỡng cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.
Nhiều bác sĩ trực thông tầm 48 tiếng
Đã hơn 12 tuần nay, Khoa Truyền nhiễm và Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Đa khoa Đống Đa chạy đua chống dịch SXH.
“Ai nấy đều vận “nội công” đến 300%. Còn sức là còn làm vì lượng bệnh nhân quá đông. Chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân SXH chuyển từ tuyến dưới lên, vừa tiếp nhận phân tuyến từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chuyển xuống”, BS Phạm Bá Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện chia sẻ.
Hành lang Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện gần như kín lối đi. Bệnh nhân kê thêm giường gấp để nằm, tay kê truyền dịch, tay phe phẩy quạt nan – thứ không thể thiếu trong thời tiết 37oC, oi bức, ngột ngạt.
Tiếng bệnh nhân than đau, mệt. Tiếng người nhà sốt ruột hỏi nhân viên y tế: “Bao giờ truyền xong? Sao không truyền dịch? Bao giờ có kết quả xét nghiệm?…”. Tiếng bác sĩ vừa tranh thủ giải thích mọi thắc mắc của bệnh nhân, người nhà, vừa hướng dẫn điều dưỡng thực hiện y lệnh…
BS Hoàng Thị Huệ (28 tuổi) đã làm việc tại Khoa Truyền nhiễm được gần 3 năm. Chị kể, chưa bao giờ trải qua mùa dịch nào khủng khiếp như thế: Dịch vừa đến sớm, vừa ào ạt, vừa diễn biến nhanh, nặng…
“Nếu không phải mùa dịch, mỗi ngày một bác sĩ ở đây chỉ khám khoảng 5 bệnh nhân và kết thúc ngày làm lúc 4h30 chiều. Nay bác sĩ khám 20-25 ca/ngày. Trong Khoa thường xuyên có 120 bệnh nhân nội trú, cao điểm còn tới 150 người.
Bệnh nhân đông, ai nấy đều sốt ruột, hỏi liên tục, bác sĩ lại dành 10 phút để giải thích tường tận cho họ hiểu. Chúng tôi lúc nào cũng di chuyển, lúc nào cũng nói”, BS Hoàng Thị Huệ vừa chia sẻ với chúng tôi, vừa tranh thủ tổng kết hồ sơ bệnh án. Bởi theo chị, nếu không tranh thủ, chị phải mang về nhà làm.
BS Phạm Bá Hiền cho biết, Khoa Truyền nhiễm vẫn giữ chế độ trực tua 5 (tức là cứ 5 ngày, bác sĩ lại trực đêm một lần). Bình thường, sáng hôm sau ca trực đêm, bác sĩ bàn giao bệnh nhân cho tua sau sẽ được nghỉ ngơi tái tạo sức lao động (gọi là ra trực).
Nay mùa dịch SXH cao điểm, chỉ cần vắng một người sẽ ảnh hưởng đến cả “dây chuyền”, nên bác sĩ ở lại bệnh viện làm tiếp.
“Quá tải đến mức, các bác sĩ từ hơn 10 tuần nay không hề có khái niệm “ra trực”. Thậm chí, có nhiều bác sĩ trực thông 48 tiếng. Bữa trưa của họ thường bắt đầu lúc 14h và bữa tối thường sau 23h. Có hôm mệt, không nuốt nổi”, BS Phạm Bá Hiền nói.
Mỗi ngày, những bác sĩ như BS Hoàng Thị Huệ sẽ phải dành 12-14 giờ đồng hồ ở viện nếu không phải ca trực đêm. Nhiều hôm, sau khi hoàn tất thủ tục cho bệnh nhân vào nội trú buổi tối, phải 8-9h đêm họ mới được ra về. Thứ Bảy, Chủ nhật, các cán bộ, nhân viên trong Khoa Truyền nhiễm đều phải đến viện làm việc như ngày thường.
“Mỗi tua trực chỉ có một bác sĩ, khoảng 4 điều dưỡng. Mùa dịch, chúng tôi thường xuyên tiếp nhận tới mười mấy ca SXH/đêm. Nhiều đêm, có 4-5 bệnh nhân chỉ định truyền tiểu cầu, chảy máu chân răng, bác sĩ phải theo dõi liên tục, cách 2 giờ lại xét nghiệm lại, ra y lệnh lại.
Quay vòng hàng chục bệnh nhân khiến phải 2-3h sáng bác sĩ mới được chợp mắt khoảng 10 phút rồi tiếp tục chiến đấu. Trong khi đó nếu bình thường, bệnh nhân ổn định, 11h đêm bác sĩ có thể nghỉ tạm rồi”, BS Hoàng Thị Huệ nói.
Bỏ cả phép, nhiều tháng trời chưa biết đón con
BS Dương Quốc Bảo – Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm tâm sự, mùa dịch, anh thường xuyên trực thông từ sáng hôm trước đến chiều muộn hôm sau.
“Anh em nhìn nhau mà làm. Chúng tôi hoàn toàn tự nguyện. Công việc bận, tất nhiên gia đình bị ảnh hưởng. Mấy tháng rồi tôi không có khái niệm đưa đón con đi học, chơi với con. Nhiều hôm, tôi về nhà khi con đã ngủ, sáng hôm sau đi làm khi con chưa dậy. May mắn, vợ tôi là đồng nghiệp nên rất thông cảm cho chồng”, BS Dương Quốc Bảo chia sẻ.
Còn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trung bình mỗi ngày có 800-1.200 bệnh nhân đến khám, 10% bệnh nhân được chẩn đoán SXH phải nhập viện. Lượng bệnh nhân đông, Bệnh viện phải tìm nhiều giải pháp hạn chế bệnh nhân nằm ghép, như mượn giường bệnh, trưng dụng hội trường, phòng bác sĩ để bệnh nhân nằm điều trị, chuyển tuyến dưới liên tục…
“Đối với bác sĩ, chúng tôi làm việc như đã công bố tình trạng dịch khẩn cấp”, BS Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu cho biết.
BS Nguyễn Trung Cấp chia sẻ, nhiều cán bộ của trong Khoa Cấp cứu muốn đưa gia đình đi nghỉ mát, phòng khách sạn, tour du lịch… đều đặt cọc rồi, nhưng vì dịch SXH nên đành hủy hết.
Một bác sĩ (đề nghị không nêu tên) ngậm ngùi: “Cả một năm, chỉ có mỗi cơ hội này để gia đình đi nghỉ mát cùng nhau. Tôi thương các con háo hức, đi khoe khắp nơi, nay chỉ vì bố quá bận mà cả nhà phải hủy chuyến đi”.
Vì bệnh nhân quá đông, trong khi Khoa Cấp cứu không được nằm ghép nên công tác chẩn đoán bệnh, phân loại, giải quyết hồ sơ, chuyển khoa, chuyển tuyến phải thực hiện liên tục. Toàn thể nhân viên trong Khoa Cấp cứu không được nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật.
“Thời gian này, rất nhiều bệnh nhân SXH nhập viện cấp cứu lúc 1-2h sáng. Vì làm việc liên tục, cường độ cao, hai điều dưỡng hiện mang bầu đã bị động thai. Một trường hợp khác, quá mệt mỏi nên đi đường gặp tai nạn giao thông, bị gãy tay” – BS Nguyễn Trung Cấp chia sẻ – “Điều tôi lo lắng nhất hiện nay là sức khỏe anh em cán bộ y tế. Chăm sóc bệnh nhân nhưng cũng phải chăm sóc chính mình nữa vì dịch còn chưa lên đến đỉnh, lượng bệnh nhân tới đây còn tăng mạnh”.
Hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã công khai số điện thoại đường dây nóng phòng chống dịch SXH, luân phiên mỗi tuần một khoa trực. Nhiều đêm, 2-3h sáng vẫn rất nhiều cuộc điện thoại gọi đến để xin tư vấn chuyên môn. Bác sĩ vừa trực cấp cứu, vừa phải trả lời điện thoại…
Dù Hà Nội chưa công bố dịch SXH, nhưng các bác sĩ, cán bộ tại các bệnh viện đã làm việc như có dịch khẩn cấp. Mệt mỏi, cường độ lao động tăng lên gấp bội phần, Ban Giám đốc các bệnh viện đã vận dụng linh hoạt mọi nguồn lực để động viên,tạo điều kiện cho cán bộ nhân viên lao động ngoài giờ mùa dịch, nhưng cũng không thấm vào đâu so với công sức họ bỏ ra…
Võ Thu – Báo Gia đình & Xã hội