ThS.BS Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội) cho biết, người đã mắc sốt xuất huyết (SXH) rồi vẫn có thể mắc lại nhiều lần và những lần sau thường dễ biến chứng nguy hiểm hơn…
Không chỉ tại các bệnh viện đầu ngành như Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, hiện nay, nhiều bệnh viện khác trên địa bàn Hà Nội như Bệnh viện E, Bệnh viện Đống Đa… cũng đã bắt đầu quá tải bệnh nhân SXH.
Cả nhà nhập viện, tái mắc nhiều lần
Hai tuần trở lại đây, các điều dưỡng, bác sĩ ở Khoa bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện E phải căng mình để khám chữa bệnh cho bệnh nhân mắc SXH do lượng bệnh nhân nhập viện gia tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày, khoa khám cho hơn 80 người dân mắc SXH, khoảng 25-30 trường hợp phải nhập viện theo dõi, điều trị.
Cao điểm vào ngày 24-7 vừa qua, số mắc SXH điều trị tại khoa lên đến 80 người, không đủ giường nằm nên các bác sĩ phải sàng lọc cho 40 bệnh nhân đã điều trị ổn định xuất viện. Thế nhưng, ngay đêm hôm đó, rạng sáng 25-7, lại có thêm 25 bệnh nhân mắc SXH mới được chuyển vào nhập viện, bệnh viện phải kê thêm nhiều giường xếp cho bệnh nhân nằm, đồng thời huy động toàn bộ nguồn nhân lực của khoa tập trung vào bệnh nhân SXH.
Bệnh nhân B.T.L (29 tuổi, ở Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội) nhập viện cuối tuần qua trong tình trạng sốt cao, xuất huyết dưới da, đau cơ khớp, là một trong gần 70 bệnh nhân hiện vẫn đang phải điều trị tại Khoa bệnh Truyền nhiễm – Bệnh viện E. Lượng tiểu cầu của bệnh nhân giảm chỉ còn 46G/L (trong khi chỉ số bình thường là từ 150 – 500G/L).
Kết quả xét nghiệm cũng cho thấy bệnh nhân này dương tính với SXH Dengue, có SXH bội nhiễm. Theo lời kể của bệnh nhân B.T.L, tại cơ quan nơi anh làm việc cũng mới có người mắc SXH. Cạnh giường của bệnh nhân B.T.L là bệnh nhân N.T.N (41 tuổi, ở Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, Hà Nội), nhập viện ngày 24-7 trong tình trạng sốt cao kéo dài 5 ngày, đầu đau nhức, khớp xương nhức mỏi, hốc mắt đau, dương tính với SXH Dengue.
Bệnh nhân này cho biết, ở nhà anh có một người em vừa bị mắc SXH nhưng mọi người trong gia đình chủ quan, ngủ không mắc màn nên bị muỗi đốt, dẫn tới nhiều người trong gia đình cùng mắc bệnh. Bản thân anh N. trước đây cũng đã từng mắc bệnh SXH nhưng anh không nhớ rõ mình mắc SXH tuýp nào.
BSCKII Nguyễn Văn Hạnh, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới – Bệnh viện E cho biết, so với những đợt dịch SXH các năm trước, số lượng bệnh nhân mắc SXH năm nay tại viện tăng gấp 2-3 lần. Qua điều trị thực tế, các bác sĩ gặp không ít bệnh nhân biến chứng nặng do SXH như ho ra máu, xuất huyết âm đạo trước chu kỳ, đi ngoài phân đen, men gan tăng cao (phụ thuộc vào thể SXH nặng hay nhẹ)…
Không được tự điều trị
Theo ThS.BS Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa – Phó Chủ nhiệm chuyên khoa đầu ngành Truyền nhiễm Hà Nội, với bệnh SXH Dengue, người dân không nên chủ quan, càng không nên tự điều trị, bởi những người đã từng mắc bệnh rồi vẫn có thể mắc lại.
Lý do vì virus Dengue gây bệnh SXH có tổng cộng 4 tuýp khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4 nên khi nhiễm SXH Dengue thuộc tuýp này rồi thì vẫn hoàn toàn có thể mắc phải SXH Dengue ở 3 tuýp virus khác. Đáng chú ý, trong trường hợp mắc lại SXH lần 2 thì người bệnh nhiều nguy cơ có thể mắc những thể bệnh nặng hơn bởi miễn dịch của bệnh nhân đã có những phản ứng một phần của tuýp Dengue mắc phải trước đó.
Bác sĩ Phạm Bá Hiền nêu rõ, tại Hà Nội, thời điểm này đang xuất hiện 3 tuýp dengue DEN-1, DEN-2, DEN-4. Sự xuất hiện của nhiều tuýp Dengue càng làm tăng nguy cơ phát triển dịch SXH Dengue, nhiều người mắc bệnh có thể nặng hơn. Do SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vaccine phòng bệnh mà chủ yếu điều trị triệu chứng và tùy thuộc đáp ứng cơ thể bệnh nhân nên nếu ca bệnh gặp biến chứng nặng thì việc điều trị rất phức tạp.
Đặc biệt, với những bệnh nhân có những bệnh lý nền kèm theo (tiền sử bệnh mãn tính) như đái tháo đường, tăng huyết áp, suy gan, suy thận, xơ gan, béo phì, người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai… càng cần phải chú ý hơn bởi họ dễ gặp biến chứng nặng hơn so với ca bệnh thông thường, tăng nguy cơ tử vong.
Trước những diễn biến khó lường của bệnh SXH thời điểm này, các bác sĩ khuyến cáo, mọi người, nhất là những người sống trong vùng đang có dịch SXH nếu thấy sốt cao đột ngột phải vào viện ngay. Việc được phát hiện bệnh sớm sẽ giúp bệnh nhân có cơ hội điều trị dự phòng sớm để giảm nguy cơ biến chứng nặng, tử vong.