Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ. Đinh Trọng Hiếu – Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc – Bệnh viện Đa khoa Đống Đa
I. Đại cương
Tai biến mạch máu não (Đột quỵ não) là vấn đề thời sự do có tỉ lệ mắc, tỉ lệ tử vong và tàn phế rất cao, ảnh hưởng nhiều đến kinh tế, tâm lý của gia đình và xã hội
Ở Mỹ, đột quỵ não là bệnh gây tử vong đứng hàng thứ ba sau các bệnh lý tim mạch và ung thư.
Mỗi năm nước ta có hơn 200.000 ca đột quỵ, trong đó có đến 50% số ca đột quỵ diễn biến xấu đi và tử vong. Nguy cơ xảy ra đột quỵ gia tăng theo tuổi, tăng gấp đôi cứ mỗi 10 năm sau 55 tuổi, xấp xỉ 28% đột quỵ xảy ra dưới 65 tuổi. Điều đáng lo, theo tạp chí Stroke, có đến 85% các ca đột quỵ xảy ra sau tuổi 50. Sau 55 tuổi, cứ liên tiếp 10 năm, tỷ lệ đột quỵ sẽ tăng gấp đôi ở cả nam và nữ. Gần 3/4 số ca đột quỵ xảy ra ở những người trên 65 tuổi. Tỷ lệ mắc đột quỵ ở nam giới cao hơn 1,25 lần, nhưng do phụ nữ có xu hướng sống lâu hơn nam giới nên số phụ nữ chết vì đột quỵ nhiều hơn nam giới mỗi năm.
Đột quỵ là bệnh lý cấp tính, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, không có dấu hiệu báo trước. Thông thường, người già đa bệnh lý, sức đề kháng suy giảm, nên cơ chế điều hòa mạch máu não kém. Nhiều khi ngồi dậy đột ngột, kết hợp thời tiết lạnh nửa đêm về sáng, dẫn đến đột quỵ. Người trẻ hay người cao tuổi khi đột quỵ đều có triệu chứng giống nhau, mức độ nặng nhẹ tùy thuộc vào vị trí và kích thước của tổn thương não. Triệu chứng ở người già không nổi bật như người trẻ dẫn đến phát hiện chậm, đến viện muộn. Nhiều khi bản thân bệnh nhân cũng không biết mình mắc bệnh.
II. Các yếu tố liên quan – thúc đẩy
– Có nhiều yếu tố liên quan đến đột quỵ gồm bệnh tăng huyết áp, bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, béo phì, tăng mỡ máu, hút thuốc, lối sống ít vận động, không lành mạnh, làm việc căng thẳng… Đây đều là bệnh lý thường gặp ở người già.
– Bệnh nhân đột quỵ trẻ hơn còn liên quan đến các yếu tố di truyền, có bất thường về mạch máu, hoặc tình trạng đông máu, dẫn đến nguy cơ vỡ mạch máu, hoặc tắc mạch máu gia tăng.
III. Dấu hiệu nhận biết:
– Biểu hiện sớm nhất của người đột quỵ là xây xẩm, chóng mặt, đau đầu dữ dội, nói khó mắt nhìn không rõ ở một hoặc hai mắt, liệt mặt, miệng méo, nhân trung lệch sang một bên.
– Ngoài ra, khi đang trong cơn đột quỵ, một triệu chứng khá phổ biến là một cánh tay hoặc một chân sẽ dần yếu đi và tê liệt dẫn đến cầm nắm khó khăn, đi đứng không vững, thậm chí bị ngã khuỵu.
– Do Đột quỵ là bệnh lý cấp tính, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, không có dấu hiệu báo trước, Triệu chứng ở người già không nổi bật như người trẻ dẫn đến phát hiện chậm, đến viện muộn.
Vậy nên chúng ta cần nhận biết sớm các triệu chứng đột quỵ (thông qua nguyên tắc B.E F.A.S.T) để tiếp cận với các phương pháp đánh giá và cấp cứu, điều trị khẩn cấp cũng như tham gia vào quá trình phục hồi chức năng toàn diện. Điều này đóng góp 1 phần không nhỏ trong việc cứu sống cũng như hồi phục sau đột quỵ của người cao tuổi.
IV. Phòng ngừa
– Để việc phòng ngừa đột quỵ ở người cao tuổi mang lại kết quả tốt nhất, bác sỹ sẽ tư vấn và chỉ định nhiều phương pháp điều trị khác nhau bao gồm biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc. Các biện pháp dùng thuốc gồm có:
– Kiểm soát tăng huyết áp
– Giải quyết rối loạn mỡ máu
– Quản lý bệnh đái tháo đường
– Dùng thuốc chống đông theo chỉ định của bác sĩ (Ví dụ: ở người có bệnh rung nhĩ)
– Bên cạnh đó một số biện pháp không dùng thuốc như:
– Tăng cường tập thể dục
– Chế độ ăn uống lành mạnh, hợp lý như ăn nhiều rau, quả, cá, hạn chế ăn nhiều thịt, không nên ăn mỡ động vật.
– Cai thuốc lá
– Không sử dụng rượu, bia và các chất kích thích
– Tránh lạnh, giữ ấm cơ thể
– Người bệnh nên thư giãn tinh thần bằng các bài tập thở chậm, thiền, yoga có tác dụng giảm căng thẳng mệt mỏi và mang lại giấc ngủ ngon hơn
– Hạn chế tắm đêm vì đây cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ
V. Cần làm gì khi phát hiện người đang bị đột quỵ?
Gọi xe cấp cứu 115 ngay lập tức;
Tuyệt đối giữ cho bệnh nhân không bị té ngã;
Không tự ý điều trị như đánh gió, bấm huyệt, châm cứu, cho bệnh nhân uống thuốc huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào;
Theo dõi các biểu hiện của bệnh nhân như co giật, méo miệng, nôn mửa, chóng mặt, mất thăng bằng, loạn trí,…;
Để bảo vệ đường thở, nên đặt bệnh nhân nằm nghiêng và không cho bệnh nhân ăn uống gì.