Bài viết được viết bởi Thạc sĩ,Bác sĩ. Lê Thị Hương Thủy – Trưởng khoa Lão – Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.
1. Tai biến mạch máu não là gì ?
Tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ. Đây là tình trạng mất đột ngột lưu lượng máu lên não hoặc chảy máu bên trong hộp sọ không do chấn thương gây giảm, mất chức năng hoặc chết các tế bào não.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) : Tai biến mạch máu não được xem là yếu tố nguy cơ gây tử vong cao hàng thứ 2 tại Việt Nam và thuộc top 10 thế giới. Khi các mao mạch vỡ, tắc nghẽn thì các tế bào não sẽ thiếu hụt oxy và dưỡng chất nên bắt đầu chết dần. Thời gian càng lâu thì các tế bào não chết đi càng nhiều, khiến người bệnh gặp tổn thương nặng, thậm chí gây tử vong.
Tai biến mạch máu não có hai loại là xuất huyết não và nhồi máu não. Trường hợp xuất huyết não cần được cấp cứu tối khản cấp, còn trường hợp nhồi máu não có thể cấp cứu trong vòng 4 – 5 tiếng sau khi xuất hiện tai biến, nhưng nên cấp cứu càng sớm càng giảm thiểu được di chứng.
2. Các giai đoạn của tai biến mạch máu não
2.1. Giai đoạn khởi đầu
Đây là giai đoạn biểu hiện không nghiêm trọng hoặc không quá đặc trưng, khiến chúng ta dễ nhầm lẫn với các bệnh khác hoặc bỏ qua dấu hiệu bệnh.
2.2. Giai đoạn quyết định
Nếu can thiệp ở giai đoạn này thì người bệnh vẫn có khả năng sống sót tuy nhiên sẽ có biến chứng: như rối loạn thực vật, hôn mê, liệt nửa người…
2.3. Giai đoạn tiến triển
Là giai đoạn nguy hiểm nhất, người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao. Các trường hợp cấp cứu, can thiệp trong giai đoạn này cũng khó khăn hơn và tỷ lệ thành công thấp hơn.
3. Nguyên nhân tai biến mạch máu não
3.1. Do thiếu máu cục bộ
Thường do có máu đông chặn dòng chảy của máu cũng như oxy đi nuôi các tế bào não. Nguyên nhân gây nên tình trạng này là do các chất béo bám thành mảng (mảng vữa xơ), nằm ở động mạch và ngăn dòng chảy của máu. Tình trạng này được gọi là xơ vữa động mạch. Vì thế, có thể nói xơ vữa động mạch là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai biến do thiếu máu cục bộ.
3.2. Do xuất huyết não
Thường gặp do huyết áp cao khiến các mạch máu trong hộp sọ vỡ ra và chảy máu vào xung quanh não.
4. Các yếu tố nguy cơ của tai biến mạch máu não
– Tăng huyết áp
– Đái tháo đường hoặc bệnh lý tim mạch: vữa xơ động mạch, suy tim, thiếu máu cơ tim…
– Thừa cân, béo phì, ít vận động thể lực
– Thường xuyên hút thuốc lá, đồ uống có cồn
– Stress kéo dài
– Tuổi: sau tuổi trung niên
– Yếu tố gia đình: gia đình có người từng bị tai biến
– Chế độ ăn có hàm lượng chất béo, dầu mỡ cao
5. Biểu hiện sớm của tai biến mạch máu não
5.1. Đau đầu
Diễn biến ban đầu cơn đau có thể âm ỉ, kéo dài hoặc đột ngột, dữ dội. Sau đó mức độ đau ngày càng tăng do thiếu oxy lên não, có khi cảm giác như “đầu sắp nổ tung”.
5.2. Hoa mắt, chóng mặt, ù tai
Thường gặp ở hầu hết các trường hợp do thiếu oxy não. Đôi khi người bệnh nhầm tưởng với các triệu chứng của rối loạn tiền đình đặc biệt ở người cao tuổi.
5.3. Khuôn mặt buồn rầu, mặt bị méo một bên
Khuôn mặt người bệnh trở nên buồn rầu, một phần hoặc một nửa khuôn mặt bị tê liệt, không cử động được; các bộ phận như mắt, miệng sẽ bị méo xệ một bên. Do lượng oxy trong máu cung cấp cho não bộ giảm dần đã gây tổn thương thần kinh tác động đến cơ mặt.
5.4. Tê yếu tay chân hoặc nửa người
Lượng máu lên não không đủ khiến khả năng vận động bị thuyên giảm. Thông thường, người bệnh sẽ bị tê liệt một cánh tay trước sau đó tê liệt một phần cơ thể, thậm chí là nửa người. Các bộ phận khác cũng khó cử động hơn. Có cảm giác một bên tay không thể cầm nắm chắc đồ vật, dễ rơi đồ và khó khăn khi nhặt lại vật đã rơi. Chân, nửa người có cảm giác như kim châm, kiến đốt một cách đột ngột.
5.5. Rối loạn ngôn ngữ
Nếu người bệnh có dấu hiệu nói khó, nói ngọng, nói lắp, không nói được câu dài, nói không rõ lời, nói khó hiểu. đây có thể là biểu hiện rối loạn ngôn ngữ cảnh báo trước cơn đột quỵ có thể xảy ra.
5.6. Giảm thị lực
Thị lực giảm dần là dấu hiệu tai biến mà người ngoài khó có thể phát hiện được. Nguyên nhân là thùy não không được cung cấp đủ oxy, hoạt động của thùy não bộ giảm dần khiến thị lực bị ảnh hưởng. Người bệnh sẽ thấy mọi thứ nhòe đi, mờ dần.
5.7. Dáng đi bất thường
Bệnh nhân có thể không thể đi lại hoặc đi lại rất khó. Thường bạn sẽ thấy người bị tai biến mạch máu não sẽ đi hoặc đứng loạng choạng vài phút sau đó thường ngã xuống.
5.8. Nấc cụt
Một trong những cảnh báo trước của bệnh tai biến mà ít người phát hiện ra đó chính là nấc cục, có thể kèm theo đau ngực, tê nhức, mờ mắt.
5.9. Khó thở
Bệnh nhân có thể thấy khó thở, thở hổn hển, tim đập nhanh.
5.10. Rối loạn nhận thức, mất trí nhớ tạm thời
Đột nhiên cảm thấy mất định hướng về không gian và thời gian trong vài phút hoặc vài giờ, bị điếc hoặc quên trong thời gian ngắn.
6. Cách xử lý khi có dấu hiệu tai biến
Khi nhận thấy 2 hoặc 3 triệu chứng kể trên cần gọi cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Một vài cách sơ cứu bệnh nhân tai biến trong thời gian đợi xe cấp cứu:
– Quan sát các biểu hiện của bệnh nhân để cung cấp thông tin cho nhân viên y tế.
– Để bệnh nhân nằm ở nơi thoáng mát, đầu kê cao khoảng 30 độ.
– Nới lỏng quần áo
– Nhắc nhở bệnh nhân hít thở sâu và chậm rãi
– Nếu bệnh nhân nôn, cần để đầu bệnh nhân nghiêng sang một bên, tránh để các chất nôn trào ngược lên mũi gây khó thở.
– Trường hợp bệnh nhân co giật cần lấy khăn vải quấn quanh một chiếc đũa hay một thanh que dài đặt ngang giữa hai hàm răng của bệnh nhân để bệnh nhân không cắn vào lưỡi trong quá trình bị co giật.
7. Di chứng tai biến mạch máu não
– Phù não
– Động kinh
– Huyết khối tĩnh mạch sâu
– Liệt một bên tay, chân hoặc cả hai bên
– Mất khả năng vận động
– Rối loạn nuốt
– Xẹp phổi, viêm phổi
– Nhiễm trùng đường tiết niệu
– Co cứng cơ
Thông thường, phải mất ít nhất 30 ngày thì một người bị tai biến mạch máu não mới có thể hồi phục. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, các biến chứng tai biến mạch máu não kéo dài vĩnh viễn, chỉ có thể can thiệp để làm thuyên giảm biến chứng, không thể hồi phục hoàn toàn.
8. Chăm sóc bệnh nhân tai biến mạch máu não
Khi chăm sóc người bệnh, cần lưu ý một số vấn đề như:
– Hỗ trợ người bệnh xoay trở tư thế thường xuyên (30 phút/lần) với người bệnh không cử động được, bị liệt nửa người hoặc toàn thân.
– Thường xuyên vệ sinh vùng kín để tránh nhiễm trùng đường tiết niệu.
– Cung cấp chế độ dinh dưỡng đầy đủ các nhóm chất; cho người bệnh ăn thức ăn loãng, ăn chậm để tránh gây sặc dẫn đến viêm phổi do hít sặc.
– Giữ phòng ngủ người bệnh được sạch sẽ, thoáng mát, yên tĩnh, giúp người bệnh được nghỉ ngơi tốt hơn/
– Tuân theo phác đồ điều trị từ bác sĩ.
– Người bị tai biến mạch máu não sau khi điều trị bị căng cứng cơ, liệt nửa người có thể tập vật lý trị liệu, châm cứu, massage,… để tăng tỷ lệ phục hồi.
– Thường xuyên trò chuyện, trấn an tinh thần người bệnh do người bị tai biến rất dễ bị sang chấn tâm lý và rối loạn lo âu, lo sợ sẽ bị đột quỵ tái phát dẫn đến tử vong.
9. Phòng ngừa
– Ăn đủ bữa, có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Hạn chế các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo, cholesterol… Thay vào đó, nên ăn rau củ quả, hải sản, trứng, các loại đậu, thịt trắng, ngũ cốc…
– Không sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn và các chất kích thích.
– Thường xuyên tập thể dục vận động, tối thiểu 30 phút/ngày, mỗi tuần từ 3-4 ngày.
– Ổn định cân nặng, tránh thừa cân béo phì.
– Kiểm soát tốt trị số huyết áp hoặc đường máu nếu bị tăng huyết áp, đái tháo đường.
– Tránh các yếu tố gây căng thẳng.
– Khám sức khỏe và tầm soát đột quỵ định kỳ.
10. Dinh dưỡng
Với chế độ dinh dưỡng cho người sau đột quỵ, cần lưu ý:
– Không ăn thức ăn quá mặn, ăn nhiều rau xanh, trái cây, đa dạng các nhóm dưỡng chất.
– Hạn chế ăn quá nhiều, cảm giác quá no khiến lượng chất béo hấp thụ cao, tăng nguy cơ béo phì.
– Bổ sung protein ít chất béo, cắt giảm chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.