Đêm 8/8, khi đến khoa Cấp cứu, bệnh viện (BV) Việt Đức khám vì đau đầu, đi chếnh choáng, vừa đọc tên, anh Phạm Huy Phương (Hà Tĩnh) bất ngờ khi cô điều dưỡng hỏi đích danh địa chỉ nhà. Trước đó 10 năm, anh đã phẫu thuật thay van tim ở BV này và tái khám ở BV khác.
Hết sợ “chữ bác sĩ”!
Sau khi nộp tiền tạm ứng cấp cứu, anh Phương được lưu tại bệnh phòng một đêm trước khi chuyển đến BV Bạch Mai. “Chồng em đến khám được phát hiện nhồi máu não sau thay van tim. Giấy ra viện kèm hóa đơn đầy đủ, được in trên giấy rõ ràng các khoản mục được BHYT thanh toán, phần người bệnh cùng chi trả, rất rõ ràng”, chị Hải vợ anh Phương cho biết.
Đồng hành cùng chồng suốt 10 năm qua, cứ 3 tháng lại đi tái khám một lần, chị Hải cho biết trước đây nhìn vào đơn thuốc là sợ “chữ bác sĩ”, trong khi thuốc chống đông của chồng chị phải dùng liều cực chuẩn, đôi khi thêm, bớt tí ti. Nhưng nay, đơn thuốc được in rõ ràng liều lượng. Anh chị luôn kẹp vào sổ tái khám để nhìn vào đơn.
Không chỉ vấn đề “chữ bác sĩ”, mà từ khi Bộ Y tế tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong khám chữa bệnh, thanh toán BHYT, người bệnh được hưởng nhiều thuận lợi. Như đến viện, thay vì phát số thủ công như trước kia, hiện tại các bệnh viện hầu hết đều có bảng điện tử, số in điện tử, thuận lợi cho người bệnh khi đi khám.
Không dừng ở đó, nhiều bệnh viện đang đầu tư để xây dựng hệ thống bệnh viện điện tử.
Như tại khoa Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai) là một trong những đơn vị được chọn để đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng hệ thống E-Hospital. Khi ứng dụng phần mềm này, bác sĩ khoa cấp cứu sẽ được cập nhật một cách nhanh nhất kết quả xét nghiệm cũng như chẩn đoán hình ảnh của bệnh nhân khám, cấp cứu và điều trị tại khoa ngay trên hệ thống E-Hospital.
Với hệ thống này, bất cứ bệnh nhân nào đã từng được khám, cấp cứu và điều trị… tại bệnh viện Bạch Mai khi tái khám thì bác sĩ có thể lôi lại được hồ sơ bệnh án điện tử của bệnh nhân đó trong những lần vào viện trước chỉ trong vòng vài phút.
“Với một bệnh nhân nhồi máu não, bình thường sẽ được chuyển ngay sang khoa Thần kinh. Nhưng khi có bệnh án điện tử, thông tin bệnh nhân được bác sĩ xem xét toàn diện trên bệnh án của họ, họ sẽ không bị chuyển đến khoa thần kinh mà sẽ được theo dõi ở tim mạch bởi hiện tượng này liên quan đến việc điều chỉnh liều lượng của thuốc chống đông sau thay van tim”, một bác sĩ cho biết.
Lợi đủ đường
Bệnh viện Nội Tiết Trung ương từ khi áp dụng CNTT trong khám chữa bệnh và thanh toán BHYT, mọi việc đều đơn giản hơn vì thông tin bệnh nhân được kết nối qua mạng tại tất cả các khoa, phòng. Bệnh nhân không phải chạy lên chạy xuống giữa các phòng khám. Trên hệ thống phần mềm, mỗi bệnh nhân có một mã riêng thống kê tất cả các lần khám và chỉ định điều trị, giúp cho việc tra cứu các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh từ những lần khám trước chỉ trong khoảng 1 phút, thay cho việc phải chờ đợi hàng giờ đồng hồ để tìm các hồ sơ bệnh án như trước
PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc BV Nội tiết cho biết, tháng 4 vừa qua, hệ thống phần mềm cả 2 cơ sở của Bệnh viện đã thông nhau là cơ sở để Bệnh viện đang triển khai cấp thẻ khám bệnh điện tử nhỏ gọn, tích hợp với thẻ ATM để bệnh nhân có thể thanh toán viện phí bằng thẻ chỉ qua một cú nhấp chuột của bác sỹ. Bệnh nhân cũng không gặp khó khi trước đó đi khám tại cơ sở 1, nay lại đi khám ở c ơ sở 2 bởi thông tin bệnh nhân sẽ được “thông” giữa hai cơ sở nhờ hệ thống CNTT.
BS CKII Đào Quốc Thái, khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa Đống Đa) cho biết, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 600 – 800 ca. Trong đó, số bệnh nhân khám theo thẻ BHYT chiếm đa số.
Đặc biệt, số hồ sơ bệnh tiểu đường và cao huyết áp viện quản lý là 2.000 và 17.000 hồ sơ. Với mô hình bệnh tật hiện nay, số bệnh nhân mắc bệnh mãn tính không lây ngày càng nhiều, những ứng dụng CNTT trong quản lý khám chữa bệnh ngày càng phát huy hiệu quả.
Sau khi lấy phiếu số tự động khám bệnh, đến lượt bệnh nhân chỉ cần quét mã vạch trên thẻ BHYT, phần mềm của Bệnh viện sẽ tự động quét và hiển thị các thông số cần thiết về bệnh nhân đã được lưu trữ trong hệ thống thông tin của BV.
BS Nguyễn Thị Phương Thùy, Trưởng phòng Kế hoạch – Tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa Đống Đa), hiện BV đang hoàn thiện hệ thống xét nghiệm kết nối thông tin hai chiều. Cụ thể, nếu trước đây, bệnh nhân khi lấy mẫu xét nghiệm, tiến hành xét nghiệm, đợi kết quả và đưa kết quả đó đến các khoa phòng tiếp theo theo chỉ định của bác sĩ, thì với hệ thống mới, bệnh nhân sau khi xét nghiệm chỉ cần chờ đợi trong thời gian ngắn, kết quả sẽ được tự động truyền đi các khoa phòng được chỉ định.
Hồng Hải