Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II. Dương Quốc Bảo – Phó Trưởng khoa truyền nhiễm – Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.
Giao mùa là thời điểm thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm phát triển, trong đó có bệnh cúm A. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính với tốc độ lây lan nhanh, gây ra bởi virus cúm A. Triệu chứng thường gặp của bệnh cúm A là sốt, ho, đau đầu, mệt mỏi, sổ mũi, đau cơ. Mặc dù hầu hết các trường hợp mắc cúm A thường nhẹ và tự khỏi trong vòng 1-2 tuần, tuy nhiên bệnh có thể gây biến chứng nặng và tử vong ở một số đối tượng như người già, trẻ em, phụ nữ có thai và người có bệnh mạn tính.
Do đó, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa cúm A là vô cùng cần thiết, nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh và lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Dưới đây là một số khuyến cáo để phòng tránh cúm A hiệu quả:
– Tiêm phòng vaccine cúm: Đây là biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất để phòng cúm A. Vaccine giúp cơ thể tạo ra kháng thể chống lại virus cúm, ngăn ngừa nhiễm bệnh. Mọi người nên tiêm vaccine cúm vào đầu mùa đông để kịp thời bảo vệ cơ thể. Đối tượng ưu tiên tiêm vaccine gồm trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên, người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh mạn tính như tim phổi, thận, tiểu đường…
– Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng: Rửa tay là cách đơn giản nhưng hiệu quả để loại bỏ virus gây bệnh. Nên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt sau khi ho, hắt hơi; trước/sau khi chế biến thức ăn; sau khi đi vệ sinh; sau khi chăm sóc người bệnh.
– Che miệng khi ho/hắt hơi: Dùng khăn tay hoặc khuỷu tay che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi để giọt bắn không lan truyền virus ra xung quanh. Vứt bỏ khăn giấy đã qua sử dụng vào thùng rác có nắp đậy.
– Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng: Tay có thể bị nhiễm virus khi chạm vào các bề mặt ô nhiễm. Do đó, nên hạn chế dùng tay chạm vào mặt để tránh mang mầm bệnh vào cơ thể.
– Giữ ấm cơ thể, tăng cường dinh dưỡng: Giữ ấm cơ thể, mặc đủ ấm khi ra ngoài trời lạnh. Chú ý bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng như vitamin C, kẽm giúp tăng sức đề kháng.
– Vệ sinh, khử trùng bề mặt: Sử dụng các chất tẩy rửa thông thường để lau rửa các bề mặt có nguy cơ lây nhiễm cao (tay nắm cửa, bàn phím, điện thoại…) ít nhất 1 lần/ngày.
– Hạn chế tiếp xúc trực tiếp người bệnh: Giữ khoảng cách 2m khi tiếp xúc với người có biểu hiện cúm. Tránh đến nơi tập trung đông người khi cúm đang lưu hành.
– Đeo khẩu trang y tế khi ra ngoài: Đeo khẩu trang y tế đúng cách sẽ giúp giảm nguy cơ lây nhiễm từ giọt bắn khi ho, hắt hơi. Nên thay khẩu trang khi ẩm ướt.
– Không dùng chung đồ dùng cá nhân: Không nên dùng chung cốc, chén, đũa, khăn mặt… với người bệnh để tránh lây lan mầm bệnh.
– Nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng khi mắc bệnh: Nghỉ ngơi nhiều, uống nhiều nước, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi. Chỉ nên vận động nhẹ nhàng, tránh hoạt động mạnh làm cơ thể mệt mỏi hơn.
– Không tự ý sử dụng thuốc: Không nên tự ý mua thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ. Người bệnh cần đi khám tài cơ sở y tế tin cậy.