Bài viết được viết bởi Thạc sĩ,Bác sĩ. Dương Quốc Bảo – Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.
1. Sốt xuất huyết Dengue là gì?
– Bệnh sốt xuất huyết Dengue là bệnh Truyền nhiễm, gây nên bởi virus Dengue, bệnh lây truyền qua véc tơ truyền bệnh là muỗi vằn (hay còn gọi là muỗi nhà). Các biểu hiện chính của bệnh là sốt cao, đau đầu, mỏi người … và có hai biến chứng chính của bệnh có thể gây tử vong là sốc và xuất huyết.
– Bệnh chia ra 3 mức độ từ nhẹ đến nặng: sốt xuất huyết Dengue, sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết Dengue nặng.
2. Các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết Dengue
– Các dấu hiệu chung của bệnh sốt xuất huyết Dengue
+ Sốt đột ngột và sốt cao, từ 39 – 41 độ C.
+ Chảy máu chân răng, chảy máu cam, nôn ra máu, đi ngoài ra máu.
+ Xuất hiện các nốt xuất huyết trên cơ thể.
+ Đau đầu, đau bụng, đau xương và khớp.
– Các biểu hiện nặng của bệnh sốt xuất huyết Dengue
+ Đau bụng nhiều: đau bụng nhiều và liên tục hoặc tăng cảm giác đau nhất là ở vùng gan.
+ Vật vã, lừ đừ, li bì.
+ Gan to dưới bờ sườn, có thể đau.
+ Nôn ói.
+ Tràn dịch các màng: màng phổi, màng bụng, màng tim
+ Xuất huyết dưới da: nốt xuất huyết dạng chấmm, mảng rải rác hoặc xuất huyết niêm mạc: chảy máu chân răng, máu cam, ra máu âm đạo, một số trường hợp nặng có nôn ra máu, tiểu máu hoặc xuất huyết não
+ Rối loạn tri giác
- Chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue tại nhà
Cách chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà trong trường hợp nhẹ bao gồm:
– Cho người bệnh nghỉ ngơi, thư giãn tại giường.
– Tăng cường bù dịch bằng đường uống như:sữa, nước trái cây, nước cơm và các dung dịch điện giải đẳng trương (Oresol).
Lưu ý, khi bệnh nhân có truyền dịch cần sử dụng đúng loại dịch truyền, tốc độ truyền và không lạm dụng truyền dịch ở giai đoạn sau của bệnh. Việc truyền dịch cho bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue tốt nhất là khi có chỉ định của bác sĩ điều trị và được theo dõi sát.
– Uống paracetamol để hạ sốt. Liều lượng uống theo hướng dẫn sử dụng, thường là 4gr/ngày đối với người lớn hoặc tùy cân nặng với trẻ em.
Lưu ý, người bệnh không được sử dụng các loại thuốc steroid, các chất chống viêm không steroid, acid acetylsalicylic (aspirin), mefenamic acid (ponstan), ibuprofen,…
– Chườm ấm.
– Đảm bảo dinh dưỡng, tránh ăn quá nhiều, ăn các thức ăn lỏng, mềm, dễ nuốt như cháo, mỳ, súp…, tốt nhất là chia nhỏ bữa ăn trong ngày.
– Người bệnh và người nhà người bệnh cần theo dõi sát tình trạng sức khỏe để nhanh chóng phát hiện các dấu hiệu bất thường như: kích thích, li bì; hôn mê hoặc co giật, nôn nhiều, đau bụng, đi ngoài phân lỏng, chảy máu chân răng, chảy máu cam, nôn máu… “Nếu có những dấu hiệu này người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và ngay lập tức”
Với bệnh nhân bị sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo và nặng: bệnh nhân cần được theo dõi và chăm sóc ở các cơ sở y tế phù hợp