Ngày 16/5, BVĐK Đống Đa tổ chức tập huấn về căn nguyên, chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan; các vấn đề về hậu COVID-19.
Tại buổi tập huấn, các cán bộ công tác tại các bệnh viện và trung tâm y tế… đã được GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam chia sẻ về cách thức tiếp cận, chẩn đoán bệnh viêm gan cấp tính; tiếp cận việc điều trị viêm gan cấp tính mới nổi ở trẻ em; vấn đề hậu COVID-19.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, hiện bệnh viêm gan cấp tính chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Khi phát hiện bệnh, các y bác sĩ sẽ tư vấn và điều trị triệu chứng. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh, người dân cần sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt; bảo đảm vệ sinh cá nhân; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường, che miệng khi hắt hơi để phòng bệnh viêm gan chưa rõ nguyên nhân và một số bệnh truyền nhiễm phổ biến khác.
Trước tình hình trên thế giới ghi nhận các trường hợp viêm gan cấp tính ở trẻ em, để chủ động giám sát các ca bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân tại Việt Nam và kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Giám đốc các Sở Y tế chỉ đạo tăng cường lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân để xác định căn nguyên. Nếu phát hiện trường hợp bất thường, không rõ nguyên nhân, đề nghị báo cáo ngay về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng) để theo dõi, chỉ đạo kịp thời. Các địa phương cần thực hiện tốt việc khám, sàng lọc nhằm phát hiện sớm các trường hợp nhiễm virus viêm gan để điều trị kịp thời.
Với vai trò là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành trong lĩnh vực truyền nhiễm của y tế TP. Hà Nội, TS. BS Phạm Bá Hiền – Giám đốc BVĐK Đống Đa cho biết, bên cạnh công tác tiếp nhận khám, điều trị người bệnh, người mắc truyền nhiễm theo đúng tuyến, bệnh viện luôn có phương án phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.