Hơn 20 năm gắn bó với công việc chăm sóc những bệnh nhân HIV, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, chị Hiền cùng những y bác sĩ nơi đây đã giúp cho nhiều cặp vợ chồng nhiễm HIV sinh ra những đứa con khỏe mạnh.
Từ những quyết định mạo hiểm…
Giữa cái nắng oi ả của những ngày hè tháng 6, tại Phòng khám ngoại khoa (Bệnh viện Đa khoa Đống Đa), bệnh nhân nhiễm HIV đến điều trị khá đông. Bác sĩ Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, tại viện đang quản lý hơn 1.000 người nhiễm HIV, trong đó 80% bệnh nhân trên địa bàn Hà Nội và 20% ở các tỉnh, thành phố lân cận.
Điều dưỡng Nguyễn Thu Hiền tư vấn cho một phụ nữ nhiễm HIV mong muốn được sinh con. |
Đồng hành với người bệnh, chia sẻ nỗi đau, giúp họ sống khỏe hơn mỗi ngày, nhiều thầy thuốc ở đây còn rất “mát tay” trong việc giúp người nhiễm “H” sinh những đứa con khỏe mạnh, bình thường. Trong đội ngũ các y bác sĩ ấy, khi nhắc đến điều dưỡng Nguyễn Thu Hiền, mọi người bệnh đều dành cho chị những tình cảm biết ơn chân thành.Có tận mắt chứng kiến cách chị Thu Hiền trò chuyện với từng bệnh nhân, quan tâm tới họ, mới thấy không phải ngẫu nhiên người bệnh lại yêu quý chị đến vậy. Lật tập hồ sơ bệnh án, trong đó nhiều quyển đã cũ, sờn gáy, chị Hiền kể cho chúng tôi nghe về từng mảnh đời, từng số phận bệnh nhân, ở đây có thể là người nghiện hút, gái mại dâm nhưng cũng có nhiều trường hợp vô tình mắc bệnh. Họ vẫn sống khỏe mạnh như nhiều người khác khi được điều trị, nhưng đa phần họ bị xã hội, thậm chí chính gia đình mình bỏ rơi. Và trong sâu thẳm họ luôn khát khao có được mái ấm gia đình, mong muốn trở thành cha, thành mẹ nhưng “căn bệnh thế kỷ” chính là rào cản lớn nhất đối với họ.
Chị Hiền nhớ lại, cách đây không lâu, một cô gái rất trẻ có tên L.A. (sinh năm 1997) mới kết hôn thì phát hiện mình bị nhiễm HIV từ người chồng. L.A. đau khổ, tuyệt vọng và chỉ nghĩ đến cái chết. Trong giờ phút tuyệt vọng, L.A. vẫn tha thiết muốn giữ lại thai nhi và cầu xin sự giúp đỡ của các y bác sĩ để đứa bé sinh ra thoát khỏi “căn bệnh thế kỷ”.
“Với những ca bệnh như L.A., nhiệm vụ của y bác sĩ thực sự nặng nề, nhưng chúng tôi vẫn quyết định “mạo hiểm” cùng bệnh nhân. Ngoài việc giúp người mẹ giải tỏa gánh nặng tâm lý tuyệt vọng, đau khổ, tư vấn họ dự phòng lây truyền từ mẹ sang con, còn phải hướng họ đến một chế độ chăm sóc, theo dõi đặc biệt và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ…”, điều dưỡng Thu Hiền nói.
Điều đáng mừng đối với các y bác sĩ nơi đây, đó là đa phần thai phụ nhiễm HIV tìm đến bệnh viện đều hợp tác với bác sĩ để cứu con mình. Đồng cảm, thấu hiểu với nỗi tuyệt vọng của những cặp vợ chồng có “H”, các “bà đỡ” bất đắc dĩ càng nỗ lực giúp họ thỏa ước mơ được làm cha mẹ. Cho chúng tôi xem đoạn tin nhắn từ một nữ bệnh nhân tên N.M. hỏi bác sĩ về tình hình sức khỏe con mình, chị Hiền cho biết: N.M. phát hiện nhiễm “H” khi có thai đã gần 3 tháng. Trong suốt quá trình cô ấy mang thai, tôi luôn ở bên. Cứ mỗi lần thấy cơ thể khác lạ hay kết quả xét nghiệm, thăm khám ra sao… cô ấy đều nhắn tin với tôi. Và may mắn đã mỉm cười khi người phụ nữ này vượt cạn thành công. Kết quả âm tính của đứa bé đến với vợ chồng họ lần lượt qua những mốc thời gian vừa sinh, sau sinh 4 tuần và 18 tháng khiến chúng tôi cũng vỡ òa trong niềm vui sướng.
Và những cái kết có hậu
Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, nếu không được can thiệp thì cứ 100 trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV có tới 30 – 40 bé sẽ nhiễm vi rút chết người này. Nhưng nếu được phát hiện sớm, chăm sóc và điều trị kịp thời thì trong số trẻ ấy chỉ còn khoảng 1 – 5 bé nhiễm HIV. Tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, từ khi tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân có “H”, đến nay chưa ghi nhận trường hợp trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ bố hoặc mẹ. Trung bình, mỗi năm có khoảng 3 – 4 trẻ chào đời từ những cặp vợ chồng điều trị HIV tại đây. Với trường hợp người nhiễm HIV chủ động có thai, họ sẽ được các bác sĩ tư vấn, điều trị, sau đó chuyển sang Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để được theo dõi thai kỳ và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Bác sĩ Nguyễn Thái Minh, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa Đống Đa) khẳng định, nhiễm HIV không phải là dấu chấm hết. Trên thực tế, nhiều người còn hiểu mơ hồ về căn bệnh này. Thậm chí, không ít người nghĩ rằng, khi mẹ nhiễm HIV thì đứa con trong bụng cũng chung số phận. Đây là một nhận thức sai. Bác sĩ Nguyễn Thái Minh chia sẻ với chúng tôi niềm vui của một câu chuyện kết thúc có hậu đã đến với cặp vợ chồng nhiễm “H”. Đó là khi người vợ tìm đến bác sĩ với nguyện vọng muốn có con nhưng chồng nhất định không đồng ý. Bởi lẽ, anh đã có hai con riêng với người vợ đầu. Thế nhưng, người vợ thứ vẫn khao khát được làm mẹ. Lúc đầu, bác sĩ Minh khuyên họ cân nhắc việc có con. Thế nhưng, sự quyết tâm của người vợ khiến các y bác sĩ đều mủi lòng. Trước và trong khi mang thai, chị được các bác sĩ theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe. Để giảm nguy cơ lây nhiễm trong quá trình người mẹ chuyển dạ, các bác sĩ đã quyết định chỉ định sinh mổ và đứa trẻ ngay sau sinh được uống xirô kháng vi rút. Đến nay, con trai họ được gần 6 tuổi và phát triển khỏe mạnh.
Phát hiện bị nhiễm HIV từ năm 2004, anh V. (sinh năm 1977 ở Hà Nội) luôn sống trong mặc cảm và không nghĩ đến chuyện yêu và kết hôn. Thế nhưng, cách đây bốn năm, V. đã gặp và yêu một cô gái quê ngoan hiền. Thẳng thắn chia sẻ về bệnh tình và được người yêu chấp nhận, hai người đã đi đến hôn nhân. Khao khát được nghe tiếng bi bô của con trẻ, hai vợ chồng đã quyết định đến gặp bác sĩ. Dù không nhiễm HIV, nhưng vợ anh V. vẫn được chỉ định dùng thuốc kháng vi rút một thời gian trước khi mang thai. Thế rồi, “mầm sống” đã hiện diện. Năm 2014, vợ chồng anh đón một bé trai kháu khỉnh nặng hơn 3kg. May mắn là các kết quả xét nghiệm sau đó đều cho thấy, đứa bé hoàn toàn bình thường, không nhiễm HIV. Theo anh V., nhờ các nhân viên y tế “tiếp sức” nên anh mới có thể vượt qua cú sốc và cùng vợ “mạo hiểm” sinh con…
Với những người nhiễm HIV, những đứa con chào đời khỏe mạnh là động lực, tiếp thêm nghị lực, giúp họ chiến thắng số phận, bệnh tật, sống có ý nghĩa hơn. Và không ai khác, chính những người thầy thuốc đã lặng lẽ thắp lên ngọn lửa khao khát sống ở những con người mang trong mình “căn bệnh thế kỷ”.