Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ. Đinh Trọng Hiếu – Trưởng khoa HSTC – CĐ – Bệnh viện Đa khoa Đống Đa
I. Đại cương
- Đột quỵ là một trong những biến chứng tim mạch nguy hiểm nhất, gây tỉ lệ tử vong và biến chứng cao. Sơ cứu tại chỗ người bị đột quỵ đúng cách và cấp cứu càng sớm thì bệnh nhân đột quỵ càng có khả năng hồi phục cao, giảm nguy cơ tử vong và di chứng sau đột quỵ.
- Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là tình trạng rối loạn tuần hoàn máu não, khiến tế bào não tại khu vực nhất định không nhận được đủ oxy và chất thiết yếu từ máu. Thời gian đột quỵ não càng dài, số lượng tế bào não ảnh hưởng càng cao và sẽ chết dần theo thời gian. Thường sau vài phút không tái lập được toàn hoàn não, cứ 1 phút trung bình có khoảng 1,9 triệu nơ-ron thần kinh chết và liên tục trong vài giờ.
- Đột quỵ được chia thành các nhóm như đột quỵ do thiếu máu cục bộ (xảy ra khi các động mạch đến não bị tắc nghẽn bởi cục máu đông) và đột quỵ do xuất huyết não (xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ và chảy máu).
- Mức độ ảnh hưởng cao nhất của đột quỵ là gây tử vong. Trường hợp, may mắn sống sót có thể đối diện với những di chứng nặng nề. Tùy vào khoảng thời gian phát hiện đột quỵ, cấp cứu và điều trị mà mức độ tổn thương đến hệ thần kinh sẽ khác nhau. Thời gian cấp cứu càng lâu, hệ thần kinh càng bị tổn hại càng nhiều, gây hậu quả nghiêm trọng, lâu phục hồi, thậm chí không thể phục hồi. Thông thường, phải mất ít nhất 30 ngày để người bị tai biến mạch máu não có thể phục hồi. Trong một số trường hợp, biến chứng có thể gây thương tổn vĩnh viễn. 90% bệnh nhân phải gánh chịu các di chứng sau đột quỵ như sa sút trí tuệ, liệt nửa người, miệng méo, sống thực vật, gặp vấn đề về thị giác, tâm lý (trầm cảm, rối loạn cảm xúc), vận động yếu và khó cử động tay chân, nói ngọng, nói không tròn vành rõ chữ, giao tiếp khó khăn… Hệ quả, người bệnh suy giảm hoặc mất hẳn khả năng lao động và làm việc, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
II. Dấu hiệu nhận biết người bị đột quỵ cần sơ cứu ngay
Đột quỵ xảy ra đột ngột khi ai đó đang làm việc, sinh hoạt bình thường. Khi ấy, các triệu chứng thần kinh khu trú đột nhiên xuất hiện. Các triệu chứng có thể khởi phát và đạt mức độ nặng tối đa ngay từ đầu (thường gặp ở xuất huyết não) hoặc khởi phát đột ngột và tiến triển nặng dần lên thành từng nấc (trong nhồi máu não).
Các triệu chứng thần kinh khu trú (các triệu chứng vận động):
- Liệt hoặc biểu hiện yếu nửa người
- Có thể liệt đối xứng
- Nuốt khó
- Rối loạn thăng bằng
- Liệt dây VII trung ương
- Rối loạn ngôn ngữ: khó khăn trong việc hiểu hoặc diễn đạt bằng lời nói, khi đọc viết, tính toán, nói khó (kết hợp với triệu chứng khác).
- Các triệu chứng tiền đình: Cảm giác chóng mặt, rung giật nhãn cầu, đau đầu dữ dội…
- Các triệu chứng tư thế/nhận thức: khó khăn khi mặc quần áo, chải tóc, đánh răng, khi được yêu cầu mô tả lại hình vẽ đồng hồ, bông hoa… hoặc hay quên; rối loạn định hướng không gian.
Các triệu chứng thần kinh khác như rối loạn ý thức, rối loạn cơ vòng, rối loạn thực vật…
III. Sơ cứu đúng cách
- Gọi ngay xe cứu thương
- Nếu người bệnh có những biểu hiện của đột quỵ, hãy ngay lập tức gọi xe cấp cứu. Không hoảng loạn, bạn cần phải giữ bình tĩnh và chờ đợi sự giúp đỡ từ các bác sĩ.
- Giữ người bệnh trong tư thế thoải mái và an toàn:
- Cho người bệnh nằm nghiêng sang một bên, đầu ngẩng hơi cao một chút để đề phòng người bệnh muốn nôn gây sặc các chất nôn vào phổi, dẫn đến suy hô hấp, đồng thời tránh tụt lưỡi.
- Kiểm tra mạch bẹn, cảnh; Kiểm tra xem người bệnh còn thở hay không. Nếu phát hiện ngừng thở, ngừng tim thì tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn ngay lập tức.
- Nếu nhận thấy người bệnh gặp khó khăn trong hô hấp, hãy nới lỏng áo quần, tháo khăn quàng, cà vạt hay thắt lưng,…
- Ghi chú lại những loại thuốc mà người bệnh đang dùng, mang theo đơn thuốc đang có.
- Nếu người bệnh co giật: cho nằm nghiêng, không dùng vật đè lưỡi như thìa, đũa, ngón tay… vào miệng người bệnh; hỗ trợ hô hấp như mở thông thoáng phòng, thở oxi nếu như tại nhà có bình oxi; lau sạch đờm giãi cho người bệnh.
- Nếu người bệnh còn tỉnh, không suy hô hấp thì có thể cho nằm tư thế thoải mái nhất và theo dõi những dấu hiệu bất thường khác trong khi chờ xe cứu thương đến.
- Tháo răng giả, giữ ấm cho cơ thể
- Khi có NVYT tới, hãy cung cấp chi tiết các thông tin của người bệnh cho NVYT như: tiền sử bệnh, thuốc đã/đang sử dụng; có ngã kèm theo hay không… và phối hợp với NVYT di chuyển người bệnh tới bệnh viện được nhanh chóng và gần nhất.
- Không nên
- Khi thực hiện sơ cứu đột quỵ tại nhà thì tuyệt đối không cho bệnh nhân sử dụng thuốc nếu như không có kinh nghiệm chuyên môn về y tế cấp cứu; không ăn uống bất cứ thứ gì, không dùng kim chích 10 đầu ngón tay hay chân của người bệnh; không dùng các biện pháp chữa bệnh dân gian truyền miệng như cạo gió.
- Hạn chế di chuyển người bệnh.