Chia sẻ tới Báo PLVN, bà Phạm Thị Hoa cho biết: Sau hơn 30 năm làm việc, bà được nghỉ việc và hưởng chế độ hưu trí. Tuy nhiên, khi nhận sổ hưu, một cảm giác hụt hẫng đến với bà, mà trong vô số sự hụt hẫng thì sức khỏe là điều bà quan tâm nhiều nhất, vì bà luôn lo lắng là sẽ phải tiếp xúc nhiều hơn với các bệnh viện. Mà sự lo lắng này xuất phát từ việc bà đã được gặp và nghe kể về những vụ việc tiêu cực xảy ra ở không ít các bệnh viện, do đó, bà không thiện tình lắm đối với nhân viên ở các bệnh viện, mặc dù bà cũng thừa nhận rằng ở đó vẫn có những người tốt.
Tuy nhiên, mọi sự lo lắng đó của bà Hoa đã nhanh chóng được xóa bỏ khi bà đến đăng khí khám chữa bệnh tại BVĐK Đống Đa. Bà Hoa nhớ lại: “Khi nghỉ hưu, tháng 2/2016, tôi đến đăng kí khám chữa bệnh lần đầu theo chế độ BHYT tại BVĐK Đống Đa, Hà Nội. Nơi mà tôi không có bất cứ một người thân quen nào làm trong bệnh viện. Mục đích của tôi là được gần nhà, thuận tiện cho việc đi lại. Vì vậy, trước đi tôi đã chuẩn bị tinh thần để phản ứng lại “thái độ” của nhân viên bệnh viện. Thế nhưng, khi đến nơi điều đầu tiên tôi nhận được là không gian bên ngoài, những tấm banner “Nói không với khói thuốc”, “Mỗi ngày dành ra 5 phút để bệnh viện Xanh – Sạch – Đẹp”… đã trở thành hiện thực. Một không gian đẹp, sạch với nhiều cây xanh, ao cá và rất sạch sẽ.
Khi đó, tôi khám tại khoa Nội của Bệnh viện. Sau khi lấy số, chờ đến lượt vào khám tôi bắt đầu có cảm tình về sự chuyên nghiệp của khâu đón tiếp. Bởi khi tôi bước vào phòng khám, điều dưỡng ân cần mời tôi ngồi và nói chuyện hỏi han giúp tôi cảm thấy điều dưỡng như con, như cháu mình và mọi cư xử của tôi ngược lại cũng phải thiện cảm, lịch sự”.
Sau khi khám, bà Hoa được xác định bị tiểu đường type2 và cần phải điều trị ngoại trú thường xuyên tại bệnh viện. Từ đó, hàng tháng bà phải đến khám và nhận thuốc điều trị tại phòng điều trị đái tháo đường của BVĐK Đống Đa. Và sau hơn 2 năm, với khoảng 30 lần tiếp xúc với bộ phận tiếp đón bệnh nhân, các bác sỹ tại khoa, các y, bác sỹ bộ phận xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh… của BVĐK Đống Đa đã làm thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận của bà Hoa về nhân viên y tế tại các bệnh viện.
Bà Hoa hài lòng kể lại: “Tiếp đó, tháng 4/2018, do chỉ số đường huyết của tôi tăng đột biến nên bác sỹ chỉ định tôi phải điều trị nội trú. Tôi không muốn nằm viện nên có ý muốn đề nghị tiếp tục được điều trị ngoại trú như trước. Tuy nhiên, khi đó bác sỹ Cảnh đã ân cần giảng giải cho tôi biết về thực trạng bệnh cũng như động viên về tinh thần để tôi yên tâm điều trị. Tôi thấy không có lý do gì để không nghe theo chỉ định của bác sỹ Cảnh nên tôi nhập viện và điều trị nội trú tại Khoa Lão của Bệnh viện.
Khi đến điều trị tại Khoa Lão và qua tiếp xúc với các nhân viên y tế tại đây, tôi nhận thấy một điều là sự hòa nhã, ân cần… không chỉ là riêng có của Khoa điều trị tiểu đường mà có lẽ là đặc trưng của Bệnh viện này. Dù cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, nhiều bệnh nhân còn phải nằm giường ghép nhưng về thái độ phục vụ bệnh nhân, về sự chuyên nghiệp và vệ sinh buồng bệnh thì không có gì phải phàn nàn”.
Do được điều trị trong môi trường rất tình cảm đã làm cho các bệnh nhân cũng vui vẻ, đoàn kết và sống rất tình cảm với nhau. Bà Hoa chia sẻ thêm: “Nhớ một hôm, sau khi khám xong cho bệnh nhân, bác sỹ thông báo bà Nguyễn Thị Tân hôm nay xuất viện. Thế nhưng, bà Tân lại nói với bác sỹ “cho tôi ngày mai xuất viện được không”. Tôi nghĩ được xuất viện là điều mọi bệnh nhân mong mỏi, song bà Tân lại xin ở lại hôm sau mới xuất viện, phải chăng bà cảm thấy bệnh viện như nhà của mình, các bác sỹ và y tá ân cần, tình cảm như người nhà của mình nên bà xin ở lại”.
Hài lòng với nhân viên y tế, đội ngũ y, bác sỹ của BVĐK Đống Đa, nhưng bà Hoa vẫn băn khoăn: “Liệu đây có phải là sự chuyển biến chung của nhân viên trong toàn ngành Y tế hay chỉ là cá biệt ở Bệnh viện này?”.