Từ đầu năm 2018 mỗi ngày Bệnh viện Đống Đa đón khoảng 10 bệnh nhân cúm đến khám mỗi ngày. Hiện bệnh viện đã triển khai test chẩn đoán sáng lọc cúm, dành 15 giường để điều trị bệnh nhân cúm.
Chiều 13/2, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã tổ chức cuộc họp khẩn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm.
Tại cuộc họp, phó giáo sư Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhấn mạnh, các đơn vị điều trị chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không để bùng phát dịch bệnh trong mùa Đông Xuân, mùa Lễ hội và Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Ông Khuê yêu cầu các bệnh viện chú trọng kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện; Tổ chức thu dung, phân tuyến, phân luồng, cách ly, điều trị bệnh nhân; chuẩn bị sẵn sàng thuốc, trang thiết bị cho điều trị, không để thiếu thuốc, dịch truyền xảy ra; thực hiện tốt việc phòng lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do mắc bệnh truyền nhiễm.
Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng, kết quả giám sát cúm trên người ghi nhận trong năm 2017 chủ yếu là cúm A/H3N2 (37%), cúm A/H1N1 (35%), cúm B (28%), không ghi nhận cúm A(H7N9), A(H5N1).
Đại diện các bệnh viện tuyến trung ương cho biết các bệnh viện đều đã triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó với dịch cúm.
Bệnh viện Bạch Mai triển khai một sàn cấp cứu bệnh nhân nhi và 2 sàn cấp cứu bệnh nhân người lớn, dồn máy thở cho khoa hồi sức, huy động 12 máy ecmo, dự trữ 1.260 viên tamiflu…
Các bệnh viện khác như: Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã tiến hành triển khai phân luồng từ khoa khám bệnh để tránh dịch lây lan; dành riêng số giường đáng kể để điều trị cách ly các bệnh nhân mắc cúm; đồng thời huy động nhân lực, trang thiết bị và thuốc men đủ để ứng phó với dịch cúm.
Đại diện Bệnh viên Saint Paul cho hay từ đầu mùa đến nay có khoảng 400 bệnh nhân cúm điều trị và đang điều trị nội trú cho 70 ca, không có tử vong. Bệnh viện có đủ thuốc dành cho bệnh nhân nặng.
Đại diện Bệnh viện Đống Đa cho hay từ đầu năm 2018 mỗi ngày Bệnh viện đón khoảng 10 bệnh nhân cúm đến khám mỗi ngày. Hiện bệnh viện đã triển khai test chẩn đoán sáng lọc cúm, dành 15 giường để điều trị bệnh nhân cúm.
Tại Bệnh viện Đức Giang chưa có bệnh nhân cúm nào, tuy nhiên cũng đã triển khai các biện pháp thu dung và điều trị trong trường hợp có bệnh nhân.
Thạc sỹ Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh khuyến cáo các bác sỹ không nên chỉ định sử dụng rộng rãi Tamiflu, để tránh kháng thuốc và tránh tạo nên cơn sốt giả về loại thuốc này, yêu cầu các bệnh viện giám sát chặt chẽ các bác sỹ trong việc kê đơn Tamiflu.
Kết thúc cuộc họp, phó giáo sư Lương Ngọc Khuê yêu cầu các bệnh viện luôn luôn trong tình trạng sẵn sàng để ứng phó kịp thời với dịch cúm.