Ngày 27/3, tại Hà Nội, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Sáng kiến Việt Nam tổ chức lễ công bố báo cáo thí điểm đánh giá chỉ số hài lòng người bệnh về chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tại một số bệnh viện ở Việt Nam từ góc nhìn người bệnh.
Kết quả khảo sát chỉ số hài lòng người bệnh và kết quả phân nhóm, xếp hạng các bệnh viện được công bố công khai để tạo động lực cho các bệnh viện công quan tâm và có các sáng kiến cải thiện chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh dựa trên phản hồi của người dân sử dụng dịch vụ…
Theo báo cáo, trong thời gian từ tháng 9/2016 đến tháng 11/2017, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) là đầu mối chủ trì hợp tác với các chuyên gia của mạng lưới Sáng kiến Việt Nam, Đại học India, Hoa Kỳ tiến hành xây dựng và khảo sát thí điểm chỉ số PSI. Các ý kiến đánh giá của người bệnh nội trú đã xuất viện về trải nghiệm ở nhiều khía cạnh then chốt khác nhau trong quá trình khám, chữa bệnh được tổng hợp một cách khách quan và khoa học. Phương pháp và kết quả nghiên cứu chỉ số PSI được hoàn thiện dựa trên nhiều cuộc tham vấn sâu rộng với các chuyên gia của Bộ Y tế, lãnh đạo và cán bộ phòng quản lý chất lượng các bệnh viện, tham vấn người bệnh và người nhà bệnh nhân trong suốt quá trình nghiên cứu thực địa và khảo sát.
Kết quả chỉ số PSI được tiến hành thí điểm thông qua khảo sát độc lập với sự tham gia của gần 3.000 người bệnh nội trú sau khi xuất viện dựa trên danh sách gần 140 nghìn bệnh nhân nội trú ở 29 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện thuộc 21 tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia chương trình khảo sát thí điểm, trong đó có 6 bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh, 2 bệnh tại viện Hà Nội.
TS Nguyễn Thị Lan Hương, đại diện Tổ chức Sáng kiến Việt Nam cho biết, bệnh nhân được khảo sát dựa trên 13 câu hỏi, 11 tiêu chí với 6 nhóm trên thang điểm 5 là khả năng tiếp cận; minh bạch thông tin về khám bệnh và điều trị; thái độ ứng xứ, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế; cấp phát thuốc và hướng dẫn sử dụng; chi phí khám chữa bệnh; cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ người bệnh. Kết quả cho thấy, chỉ số hài lòng của người bệnh trung bình đạt 3,98, tương đương 79,6% so với kỳ vọng. Trong đó, người bệnh hài lòng nhất là khả năng tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh trong khi kém hài lòng nhất là cơ sở vật chất và phương tiện phục vụ người bệnh.
Cụ thể, trong nhóm cơ sở vật chất, lĩnh vực nhà vệ sinh bệnh viện có chỉ số hài lòng thấp nhất (3,58 điểm); tiếp đến là chi phí khám chữa bệnh chỉ đạt 3,88 điểm. Các bệnh viện ở tuyến trên có mức độ hài lòng cao hơn. 5 bệnh viện xếp hạng rất tốt: Bệnh viện Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Tai Mũi Họng (TP Hồ Chí Minh), Bệnh viện Phụ Sản (TP Cần Thơ), Bệnh viện Lao và bệnh Phổi (Thái Bình) với chỉ số hài lòng từ 4,34 – 4,65. 16 xếp hạng với chỉ số hài lòng từ 3,87 – 4,3 điểm, trong đó có Bệnh viện đa khoa Đống Đa (TP Hà Nội), Bệnh viện đa khoa các tỉnh Nam Định, Quảng Ninh, Quảng Trị, Hà Giang, Bình Định… 8 bệnh viện thuộc nhóm xếp hạng khá với điểm số từ 3,51 – 3,3,83, trong đó có Bệnh viện Truyền máu huyết học TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Trưng Vương TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi… 2 bệnh viện thuộc nhóm xếp hạng trung bình là Bệnh viện Phổi Bắc Giang và Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận.
Theo TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, việc công khai kết quả chỉ số hài lòng người bệnh sẽ giúp tăng cường minh bạch về chất lượng khám, chữa bệnh của các bệnh viện, tăng cường công tác giám sát của người dân và cơ quan quản lý nhà nước đối với dịch vụ y tế công. Đặc biệt, khi Chính phủ đang chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, gia tăng quyền tự chủ cho các bệnh viện, tăng giá các dịch vụ y tế theo lộ trình hướng đến “tính đúng, tính đủ” theo giá thị trường vào năm 2020.